Tuy đã đưa nước mắm Liên Thành (với biểu tượng Con voi đỏ) phủ rộng thị trường, những người đang sở hữu thương hiệu lâu đời này vẫn thấy mình có lỗi với tiền nhân. Bởi họ chỉ mới giữ thương hiệu tồn tại nhưng chưa thật sự làm cho Liên Thành nổi tiếng trong thương trường khốc liệt.
Liên Thành hội quán là một tổ chức kinh doanh do các tri thức Nho học, Tây học, quan lại, viên chức ở Trung và Nam kỳ sáng lập vào năm 1906 từ ý tưởng của chí sĩ Phan Châu Trinh để hưởng ứng phong trào Duy Tân.
Người xưa nhìn xa trông rộng
Lúc đó, các ngành nghề chính trong công nghiệp và thương mại đều do tư bản Pháp và Hoa kiều nắm giữ, nên Liên Thành hội quán chọn sản xuất và kinh doanh nước mắm – là nghề truyền thống của người dân miền Trung, không ai cạnh tranh. Đến năm 1917, Liên Thành hội quán dời tổng cuộc vào Chợ Lớn, lại mua thêm một lô đất ở Khánh Hội (số 243 Bến Vân Đồn, quận 4 – trụ sở chính của Liên Thành hiện nay) xây vựa chứa nước mắm.
Chọn nghề truyền thống, nhưng các vị sáng lập đã nhìn xa trông rộng, nên đầu tư ngay từ đầu cho việc quản lý chất lượng (lập phòng hoá nghiệm, huấn luyện kỹ thuật viên, quan hệ với hãng Kubota của Nhật để trang bị máy móc tân tiến), xây dựng thương hiệu và chống hàng nhái, hàng giả nhãn hiệu Con Voi Đỏ. Ðến năm 1918, Liên Thành bước sang thời kỳ phát triển mạnh mẽ, tham gia các hội chợ ở Hà Nội và dự cuộc đấu xảo ở Marseille, Pháp, tạo ra tiếng vang lớn. Từ sau đó, Liên Thành dần mở rộng mạng lưới các phân cuộc ở nhiều tỉnh miền Trung, miền Nam, phủ qua cả Campuchia và châu Âu.
Bà Ngô Thị Hoàng Mai, phó tổng giám đốc công ty cổ phần chế biến thuỷ hải sản Liên Thành, cho biết, theo lời kể lại của hậu duệ các vị sáng lập thì nước mắm là mặt hàng chính được tập trung đẩy mạnh làm thương hiệu, nhưng thật ra nguồn tài chính thời gian đầu nuôi sống Liên Thành hội quán lại là sản phẩm phụ – phân xác cá, cùng việc kinh doanh hiệu thuốc bắc, khách sạn và làm đại lý bán động cơ tàu thuyền ở Bình Thuận. Năm 1960, Liên Thành xây dựng một nhà máy sản xuất phân bón không mùi từ xác cá tại Phú Hài, Phan Thiết. Trong ngành sản xuất nước mắm, đây là phát kiến quan trọng để tận thu phế phẩm, bài học về giảm giá thành sản phẩm còn giá trị đến ngày nay.
Sao xứng với tiền nhân?
Cống hiến tài – trí – lực cho Liên Thành, đến năm 1975, khi đồng ý hiến công ty cho Nhà nước, ông Huỳnh Văn Dậu lúc đó giữ trách nhiệm chủ tịch hội đồng quản trị chỉ yêu cầu hai điều kiện: một là giữ lại tên Liên Thành với biểu tượng Con Voi Đỏ (hình ảnh tượng trưng cho cuộc sống có đàn, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc), hai là giữ hương khói bàn thờ sáu vị tổ sáng lập Liên Thành.
Cơ sở chính của Liên Thành ở Sài Gòn được gộp chung với chín cơ sở sản xuất nước mắm tư nhân lập thành xí nghiệp quốc doanh nước mắm Liên Thành, đến năm 1990 thì đổi thành xí nghiệp chế biến thuỷ hải sản Liên Thành. Năm 2001, theo chủ trương của Nhà nước, xí nghiệp được cổ phần hoá và sau đó đổi tên thành công ty cổ phần Chế biến thuỷ hải sản Liên Thành cho đến ngày nay.
Không chỉ tên Liên Thành và bàn thờ sáu vị sáng lập được giữ gìn, mà ngôi nhà trụ sở chính cũng được bảo tồn hơn 90 năm qua. Ngoài ra, công ty Liên Thành còn may mắn tìm được, lưu giữ các quyển sổ ghi chép đầy đủ những cuộc họp hội đồng quản trị Liên Thành xưa kia.
Tất cả là tài sản vô giá để xác định giá trị thương hiệu Liên Thành. Nỗi đau đáu của hội đồng quản trị và ban điều hành công ty Liên Thành hiện nay là tuy đã đưa nước mắm Liên Thành phủ rộng thị trường trong nước và nước ngoài, nhưng họ thấy có lỗi với tiền nhân là chưa thật sự làm cho Liên Thành trở thành thương hiệu nổi tiếng nhất trong thương trường cạnh tranh khốc liệt.
Chuộc lỗi với tiền nhân, những người đang thụ hưởng thương hiệu Liên Thành đang cố gắng tạo ra sự khác biệt của sản phẩm nước mắm Liên Thành so với nhãn hiệu nước mắm khác, nhất là bảo tồn hương vị truyền thống nước mắm. Người tiêu dùng rất chuộng nước mắm cốt nhỉ tự nhiên làm từ cá cơm, không có chất bảo quản, phụ gia tạo ngọt, không màu thực phẩm hay nước mắm có bổ sung chất sắt trong chương trình dinh dưỡng quốc gia. Các sản phẩm của Liên Thành được xuất khẩu sang các nước Mỹ, Nga, Philippines, Nhật. Năm 2009, Liên Thành được cấp Code EU, giấy thông hành vào thị trường châu Âu.
Bà Hoàng Mai nói ước nguyện của ban lãnh đạo công ty Liên Thành hiện nay là xây dựng bảo tàng nghề nước mắm Việt Nam. Ngành nghề nước mắm tuy không khởi phát ở Sài Gòn nhưng mảnh đất này là nơi gìn giữ tinh tuý của hương vị nước mắm truyền thống Việt Nam.
Theo Nguyệt Hồng
Sài Gòn tiếp thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét